Những mùa hoa bằng lăng

ảnh của bạn comay80 trên trang photo.tamtay.vn

ảnh của bạn comay80 (nguồn google search)

Email lúc nửa đêm:

From: Phương hâm 607
to: chị Hải Anh mèo

“Chị còn nhớ cái vụ bằng lăng chị bảo em không. Hôm nay có truyện mới xuất bản, của tác giả em hâm mộ. Bạn ấy bảo ai viết cảm nhận hay nhất sẽ đc bạn í tặng sách (http://www.facebook.com/pages/Lynh-mi%C3%AAu/263175573817307?group_id=0)

Đã nhận ra e viết về ai chưa^^, ở cái phần công bố kết quả í

“Những mùa hoa bay đi…” – Tựa sách làm mình nhớ đến một người…
“Cây bằng lăng già góc sân trường mình… Người ta truyền tai nhau rằng, ai may mắn nhìn thấy bông hoa đầu tiên nở, thì người đó sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn…” – Ngày chuyển đi, chị ấy đã nói như vậy.
Bốn mùa hoa của chị, lặng lẽ kiếm tìm một mảnh hạnh phúc nhỏ bé cheo leo trên cánh hoa bằng lăng đầu mùa.
Mùa hoa của chị, để lại cho em chút xót xa trong lòng…
Hoa ơi, có nhạt phai theo năm tháng, có mang theo ước vọng về mối tình mảnh dẻ lưu lạc phương nào…
Để khi ra trường rồi, chị ngoảnh lại tiếc nuối…
Có những mùa hoa đã bay đi…
Mang theo những ước vọng sáng trong, mong manh nhưng bền bỉ…
“Những mùa hoa bay đi…”, làm mình chợt muốn nói với chị ấy rằng: “Chị ơi, đừng buồn nhiều nhé. Không phải mỗi mùa hoa qua, để một đi không trở lại, mà để một ngày nào đó, trở về với kỉ niệm xưa, những cánh hoa nhắc ta nhớ rằng đã từng có những ngày như thế…”
Chỉ cần khi ngoảnh lại, vẫn còn nhớ rằng, đã có những mùa hoa như thế ở trong tim…”

Chị cũng đọc sách nhé, cá nhân e thấy rất hay 🙂

Mà chị đã kiếm đc anh nào chưa, hay là vẫn “lặng lẽ kiếm tìm một mảnh hạnh phúc nhỏ bé” ;;)

Có j` em sẽ lại mail cho chị nhé^^”

……….
Sến quá rồi đấy cô hâm ạ…

Thế nhưng bằng đấy con chữ và một ly Moccha Latte đã giúp mình có một đêm gần như không ngủ T_T

Một trong những truyền thuyết của KTX Hanu: “ai nhìn thấy bông hoa bằng lăng đầu tiên của mùa hè thì sẽ có người yêu”. Các nữ sinh thanh lịch của D4, D5, D6, ai cũng cười, phẩy tay, không tin được, nhưng đến đầu hè cứ tha thẩn ngắm cây bằng lăng đắm đuối từ trong những ô cửa sổ màu xanh.

Bằng lăng thì nhiều lắm, trước sân D4, trước sân D5, dọc bên rìa sân vận động, cạnh thư viện, dưới sân nhà E, thế mà nhìn mãi chỉ thấy lá là lá,xanh rợp. Đến lúc thi xong ngẩng lên thì hoa đã nở hồng tím kín cây. Chẳng biết đóa hoa đầu tiên đã nở lúc nào, thở dài đợi đến mùa hè năm sau vậy.

Mùa hè năm sau cậu xuất hiện, tớ và cậu là bạn thân, cùng học bài chỗ mấy cái ghế đá dưới tán cây bằng lăng cạnh thư viện. Rồi khi bằng lăng chưa tàn, cậu đã lên đường đi du học.

Mùa bằng lăng tiếp theo cũng không có đóa hoa đầu tiên nào dành cho tớ cả. Chỉ có những buổi tối muộn đi dạy thêm về, ngồi một mình dưới gốc cây trước cửa D4, khóc một mình, cậu nói là đã có người cậu thích. Hoa bằng lăng rụng lả tả xung quanh, dưới ánh sáng vàng vọt của đèn cao áp, rũ ra dưới gót chân của những người đi qua.

Mùa bằng lăng năm sau nữa, cậu về nước và nói thật ra cậu chỉ thích tớ, cùng với một đóa hồng, cũng dưới gốc cây cạnh thư viện vào một buổi tối mùa hè có tiếng dế kêu rả rích.

Mùa hè tiếp theo tớ ra trường đi làm, bận rộn đến mức không có thời gian soi gương xem mình đã thay đổi như thế nào. Hoa bằng lăng thì hoàn toàn không còn khái niệm, nhưng vẫn có cậu trong những email, tin nhắn, những cuộc điện thoại làm tớ thấy vui mỗi ngày.

Mùa hè sau đó chưa kịp đến, tớ và cậu chia tay. Tớ chạy xa khỏi Hà Nội, đến một nơi mà mưa mùa hè làm nước ngập đến trên đầu gối, cuốn trôi hết những đóa hoa bằng lăng rụng trên đường, sạch sẽ như chưa bao giờ có xác hoa quanh đấy. Cậu về nước, cậu muốn gặp tớ, muốn nói chuyện, muốn chúng mình lại là bạn. Nhưng chắc cậu không nhớ, lúc mới quen chính cậu đã nói với tớ rằng “kỷ niệm là chiếc áo cũ, khi người ta lớn lên sẽ không còn mặc vừa nữa”. Không mặc vừa nữa thì xếp vào hành trang để mang theo làm gì? tớ còn phải bước tiếp, mang theo những thứ không cần thiết sẽ chỉ nặng nề thêm thôi. Con trai không bao giờ có thể biết được rằng những điều họ nói lại đọng lại lâu như vậy trong trái tim một cô gái.

Hì…….

Bây giờ là lúc mùa bằng lăng của năm nay sắp đến, đúng, mình vẫn đang đi “kiếm tìm một hạnh phúc nhỏ bé”, một người thực sự dành cho mình trong cái thế giới rộng lớn này. Nhưng mình sẽ không tìm hạnh phúc đó trên đóa bằng lăng đầu tiên của mùa hè nữa, mà sẽ tìm nó trong những khuôn mặt người.

HN, 4/4/2013

Thư gửi bố già nơi phương xa

Thư gửi bố già nơi phương xa

Bố ạ, hôm qua con đã định trốn nắng ở trong nhà để bảo vệ làn da châu Á rồi, nhưng rốt cuộc vẫn có một số việc linh tinh phải xách xe đi ra đường.

Xong việc rồi thì con lại không về nhà mà đi lang thang một mình, vì buổi chiều cuối tháng ba “HN đang mùa thay lá, những mẹt mơ vàng như nắng đầu mùa” mà hôm trước bố ngồi mơ mộng quả thật là giỏi níu giữ bước chân và lòng người.

Đi qua Tràng Tiền, có cái bến xe bus mà bố con mình hay đứng chờ xe 02 để về trường, bố bị say xe nên không thích đi xe bus, vừa vào đại học bố đã có ngay một cái xe đạp mini màu mận chín. Con thì dân tộc xuống núi nên sợ không dám đi xe ngoài đường, dù là hồi cấp ba con cũng suốt ngày đạp xe tung hoành ngang dọc các lớp học thêm cách mười mấy cây số đấy. Hồi năm nhất toàn là bố đèo con đi chơi khắp nơi, đạp xe đi xem các trường đại học ở HN, lên tận bờ hồ, dắt xe đạp vào tiệm kem Tràng Tiền, mua hai cái kem ốc quế rồi ngồi vắt vẻo trên xe ăn…

Đi qua Đinh Lễ, bây giờ cứ náo loạn làm sao ấy bố ạ, người ta lao ra chặn xe con lại, dang tay chỉ vào tiệm sách miệng mời chào y như mấy chỗ ăn phở cuốn trên Trấn Vũ hay hoa quả dầm Tô Tịch ý. Vẫn biết là người ta cũng chỉ cố gắng kiếm sống thôi nhưng sao con cứ thấy ngang ngang, sách thì cũng nên khác với đồ ăn một chút chứ. Cũng may là tiệm sách trên gác 2 số 5 Đinh Lễ thì vẫn vậy, yên tĩnh, chầm chậm, chui vào giữa những giá sách như lạc vào xứ sở của những con chữ, người mua cũng nói chuyện thầm thì như sợ các cuốn sách thức giấc. Tìm mấy cuốn trong tủ sách “cánh cửa mở rộng” mà bố bảo, nhưng đọc qua thấy nó có vẻ giống sách giáo điều quá. Bố biết đấy, con ghét sách giáo điều mà. Thanh niên ngơ như con chỉ thích đọc những sách phiêu lưu với giả tưởng thôi (giống con Mai), đọc mấy cuốn mà người ta khuyên dạy “bạn nên thế này, bạn phải thế nọ” là con sẽ sinh ra một đống lập luận phản bác và nhanh chóng cảm thấy mệt óc, đọc chưa được ba chục trang con sẽ vứt sang một bên, kết luận là “tôi muốn sống theo kiểu của tôi, các vị tha cho tôi đi”!. Trong tủ sách đấy có cuốn “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils” có vẻ thú vị, nhưng con không mua đâu vì bố mua rồi mà, khi nào bố về con mượn của bố đọc là được.

(Nói đến sách mới nhớ con đang cầm của con Vân quyển “Cocktail tình yêu” bố ạ, hồi trước nó đòi rồi nhưng mà mấy lần đi chơi mải tập trung ăn uống nên quên chưa trả, dạo này nó đang xa lánh con nên cũng không biết phải làm sao, còn cả đống quà sinh nhật với quà Malay, Sing cho nó đây mà chờ mãi chưa thấy nó gọi mình đi chơi hiu hiu T_T.)

Đi qua Phan Bội Châu có hàng bún riêu trên vỉa hè lúc nào cũng đông chen chúc, nhớ hồi con thực tập ở HSBC còn bố tự nhiên lại nhận đi làm cho công ty pháo hoa của Sing nên bị cả lớp đùa là đi canh kho thuốc pháo. Ngày hôm đấy con cũng đang ngồi ăn trưa ở cái quán bún này thì bố gọi điện, con nhấc máy với tâm trạng phởn như mọi khi “a lô bố à, gọi gì đấy? kho pháo nó nổ chưa?”. “Nó nổ thật rồi con ạ *run run* bố sợ quá”, dập máy, gọi lại không được. Về ngân hàng vào mạng internet thấy báo viết về vụ nổ container thuốc pháo hoa lẽ ra là để mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long ở Mỹ Đình con cũng rụng rời, nó nổ thật. Bây giờ nghĩ lại con vẫn thấy run, lúc đấy đầu óc thì mách bảo là bố còn sống vì thời gian bố gọi cho con là sau thời gian vụ nổ xảy ra, nhưng mà vẫn cứ bấn loạn gọi cho bố mãi không được, bảo với con Vân nó mới nói “mày cứ bình tĩnh, chắc ông ấy đang phải làm việc với công an nên không nghe máy được”, não con lúc đấy bấn loạn không tư duy nổi được đến đoạn đấy….

Đi qua đường Hoàng Diệu, a a a a a a, con đường yêu thích nhất của con, mùa này cũng đẹp và sạch như bao mùa khác, hoa cúc và hoa bướm cũng vẫn nở rực rỡ dưới những hàng cây cổ thụ bên đường, hoa sưa cuối mùa thưa thớt những bông hoa trắng xanh trong tàng lá non. Dưới cái nắng dịu dàng người ta đang thong thả tản bộ trong công viên Lê Nin hay chơi cầu lông trên vỉa hè chỗ gần nhà thờ Cửa Bắc. Mỗi lần qua phố này con đều được bỏ khẩu trang và cười toe toét với gió mát, ngồi sau xe bố thì con sẽ dang cả hai tay ra nữa cho giống bị điên, trong lúc bố đang gù lưng đạp xe và nói chuyện luyên thuyên…

Đi qua Cửa Bắc có mấy gánh hàng hoa ngập tràn phăng xê và lay ơn hồng, trắng, tía. Năm nay chẳng ai mua phăng xê cho con nữa rồi, dù là mua trên phố Lê Duẩn hay mua ở gần hồ Tây. Kể cũng hơi chạnh lòng một tí đấy. Nhớ năm ngoái cũng tầm đầu mùa hè thế này con với bố đạp xe lên đây, mua hoa rồi đi ăn caramen Hàng Than, đến giữa mùa hè thì đi Phủ Tây Hồ, mua hoa sen trắng thơm nức. Có bao nhiêu thứ để mua thế mà hôm trước bố chỉ nói là muốn về HN để mua mơ về ngâm và chờ mùa sấu, sao bố đã gầy lại toàn thích ăn chua thế hả??

Đi qua Trần Phú, con đường được bình chọn là đẹp nhất Hà Nội, nhớ hôm bố con mình bị công an bắt tội rẽ không signal. Các anh ấy hay đứng ở chỗ Hoàng Diệu rẽ ra Trần Phú lắm, không biết có phải để kết hợp vãn cảnh không nữa. Hôm đấy đã bị phạt tiền lại còn lỡ tay đánh rơi hai cái hộp caramen treo ở móc, nó lăn lông lốc vào dưới gầm xe cảnh sát làm mặt hai bố con đều ngắn tũn. Nghĩ lại đi với bố đi xe đạp cũng bị công an bắt phạt mười lăm nghìn, đi xe máy bị bắt mấy lần trên đường Nguyễn Trãi này, chỗ ngã tư Trần Duy Hưng cắt đường Láng này, nói chung là tại bố cả đấy! hứ!

Chiều muộn đường bắt đầu tắc, người người xe xe chen chúc trong khi phố xá bắt đầu lên đèn. Trời bắt đầu nóng lên nên ra đường các chị các em bắt đầu quần cộc váy ngắn thật là mở mang con mắt bố ạ. Khi nào bố về chúng ta lại có thể đi tour ngắm thời trang đường phố với harajuku nữa rồi ❤

Hà Nội, Hà nội… hôm qua đọc cái post của chị Trâu mới nhận ra đã tám năm rồi. Tức là bố con mình cũng đã cùng nhau già đi được tám lần rồi đấy. Hà Nội giống như bố già của con vậy, chưa bao giờ giận dỗi, chưa bao giờ bỏ đi, ghét mùa đông nhưng năm nào mùa đông cũng vẫn cứ đến. Sài Gòn hay Selangor nắng gió có lẽ cũng giống như những chàng trai mà bố từng đơn phương. Họ cho bố thấy những điều hay ho, sôi động, sang trọng cao quý mà bố chưa từng thấy, họ cũng đem đến cho bố những lúc ngồi một mình mở nhạc linkin park và khóc thật to, hay họ cũng đem đến cho bố những cơn điên như hôm bố viết cho con cái mail dài 3 trang word về “Investment bank vs comercial bank” (=))), ngoài ra họ cũng giúp bố nhận ra bố nhớ Hà Nội đến thế nào.

Bố yêu, hết ngày hôm nay là mọi việc sẽ ổn cả thôi, trong những ngày tiếp theo bố cần mạnh mẽ hơn nữa. Đôi khi chiến thắng những lo lắng hoảng sợ của chính mình cũng là một việc cần rất nhiều sự dũng cảm và vĩ đại rồi. Bố đang là điểm tựa cho nó mà, phải không được lung lay nhé 🙂

Hà Nội 25/3/2013 – 29 ngày nữa đến sinh nhật bố :))

Trên đất Mã Lai

DSC_1044

Điều cuối cùng tôi còn nhớ là tôi đang nằm dài trên một triền cỏ xanh mướt, dưới một tán cây thật rộng, đầu gối lên chiếc ba lô của mình và chai nước rỗng tuếch lăn lóc bên cạnh. Triền đồi St.Paul thoai thoải chỗ này nhô ra một mỏm, lên trên vài bước là nhà thờ cổ St.Paul, giờ chỉ còn lại những bức tường và tượng thánh Paulo cụt mất một cánh tay. Đang là giữa trưa nên chỉ có thưa thớt vài khách du lịch, nắng gắt làm sáng bừng lên màu trắng của nhà thờ. Dưới bóng râm của cái cây vĩ đại chẳng rõ là cây gì này, tôi duỗi dài chân, tay kê sau đầu, từ trên cao lim dim ngắm nhìn thành phố Malacca trải dài ra trước mắt. Ngay dưới chân đồi là những mảng đỏ, tím của các tòa nhà trong khu quần thể di tích xen kẽ trong màu xanh của cây cối, xa hơn nữa là màu trắng của những mái nhà dân lẫn giữa màu biếc của những sông ngòi kênh rạch, tiếp đến là màu xanh đậm của những trảng dừa, thi thoảng nhô lên những tòa nhà hình trụ của những khách sạn cao cấp, màu trắng ngà của bãi cát dài nối theo, làm thành một dải cong quyến rũ bao lấy dìa thành phố.  Tiếp với bờ cát êm là mảng màu lớn nhất trong bức tranh, vịnh Melaka xanh thẫm phủ kín đến tận đường cung cuối chân trời, lấp la lấp lánh dưới cái nắng cận xích đạo chói chang. Xa xa, vài con tàu du lịch đang lững lờ trôi, màu trắng điểm xuyết trên nền xanh thăm thẳm của Ấn Độ Dương.

Sau cả một buổi sáng đi bộ khắp các điểm thăm quan trong thành phố, với cái ba lô gần chục cân trên vai, giờ tôi cảm thấy toàn thân đã bắt đầu đình công, các cơ bắp ở chân nhức nhối mỗi khi tôi bước và phần da trên vai tôi đau rát dưới lớp vải áo vì cái quai ba lô. Thế nên chưa trèo lên đến đỉnh của đồi St.Paul, tôi đã quăng cái ba lô xuống dưới gốc cây này để ngồi nghỉ, uống cạn chai nước mang theo, rồi khi nhận ra khung cảnh trước mắt tuyệt đến thế nào, phản xạ tự nhiên của cơ thể là ngả ra chiêm ngưỡng.

DSC_1046

Malacca, thành phố biển nhỏ xinh, được biết đến như một thành phố di sản thế giới, sánh ngang với Jerusalem hay Kathmandu của Nepal, với những vết tích của người Đan Mạch, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Ấn độ và người dân Mã Lai bản địa có gốc gác từ Indonesia trong cuộc sống giao thương và giao tranh mấy trăm năm về trước. Một thành phố nhỏ mà có tới ba mươi hai cái bảo tàng, bảo tàng hành chính, bảo tàng văn hóa, bảo tàng các loại con dấu, bảo tàng đạo hồi, bảo tàng kiến trúc, bảo tàng hải quan, vân vân và vân vân không nhớ nổi. Chỉ khổ cái thân tôi đã đến rồi thì muốn đi bằng hết, đến khi vào cái bảo tàng thứ mười mấy, thấy người ta hết đồ nên trưng bày cả lon Tiger trong tủ kính thì tôi bỏ cuộc, không đi xem nữa.

DSC_1036

Khi bụng đã đói, tôi ăn bữa sáng – trưa của mình trong khu phố tàu, phố tàu thì ở đâu cũng vậy, nhà cửa san sát, bên sông, ngõ phố nhỏ xinh treo đầy đèn lồng, các cửa hiệu đồ ăn thơm nức. Nói ra sẽ có người chửi, nhưng tôi cảm thấy an toàn hơn khi ở trong phố Tàu, kể cả khi đến Sing tôi cũng chọn Hostel trong phố tàu, một phần vì giá rẻ chỉ có khu này hoặc khu Tiểu Ấn, mà đã quá ấn tượng với khu Tiểu Ấn nhiều rác và quạ kêu quang quác ở Kuala Lumpur, một phần thì vì tôi nói được chút chút tiếng Hoa nên tôi hy vọng có thể tranh thủ chút tình đồng hương đã làm nên sự nổi tiếng của người Tàu. Tuy nói là thấy an toàn hơn nhưng đêm hôm qua cũng chẳng ngủ được tí nào, cứ chập chà chập chờn trong đủ thứ mộng mị, tiếng điều hòa ro ro thỉnh thoảng nghe như có tiếng người nói chuyện rì rầm. Nằm cắm phone vào tai để át đi cái tiếng rì rầm và nắm chặt con dao nhíp dưới gối, rút cục thì trời cũng hửng sáng lên bên ngoài khung cửa sổ.

DSC_1027

Phố Tàu cũng cho tôi cảm giác như đang được quay trở lại Thượng Hải, nhớ quãng thời gian chơi bời thư giãn vô ưu vô lo thật đáng quý của thời sinh viên, những người bạn thú vị từ khắp nơi trên thế giới với những trò nghịch ngợm tai quái, và nhớ cả cậu nữa. Nhớ chiều hôm đó chúng tôi xuống ở một ga tàu điện ngầm tên là Thiên Đông, các bức tường được trang trí bằng tấm tranh lớn vẽ băng tuyết phủ kín, cậu đang nói chuyện gì đó nhưng tôi không để ý, miệng đang lẩm bẩm “thiên đông” vì cái tên khá hay, bồng nhiên cậu quay ra, mắt sáng bừng, hai tay lắc lắc vai tôi reo lên “vậy tức là mùa đông bạn sẽ trở lại!!”. Tôi muốn nói không, nhưng không thể, không nỡ dội băng tuyết vào đôi mắt đang ánh lên niềm vui như trẻ con ấy, và tôi quay mặt, đi thẳng. Tôi không thích cậu, chỉ là cảm động thật nhiều trước tình cảm mà cậu dành cho tôi. Tôi thấy tôi chẳng có điểm gì đáng để thích cả, còn cậu thì có thể suýt xoa xót thương đến thế khi thấy bàn chân tôi tấy lên vì đi bộ và đề nghị cả nhóm lên ngay taxi. Sau đó tới hai năm, cậu vẫn viết mail cho tôi, kể rằng đã đi làm, kiếm được đủ tiền có thể nuôi sống tôi, hãy quay lại Thượng Hải. Nhưng biết làm sao đây, tôi lúc đó đã vội yêu và đau khổ vì một người khác. Sau này, mỗi khi nhận được những chua chát trong chuyện tình cảm, tôi đều nghĩ rằng ông trời trừng phạt tôi vì đã đối xử với cậu như vậy.

Bây giờ nằm đây yên tĩnh, tôi có thể thả hồn miên man trong những suy nghĩ. Gió thổi từ biển vào mát rượi, mang theo hơi muối dinh dính trên da. Có cảm giác thật là thân thuộc, giống như tôi đã từng nằm đây trước đó rồi vậy. Nếu tôi sống ở thành phố này chắc chiều nào tôi cũng sẽ lên đây ngồi, tận hưởng bình yên vô tận. Biết đâu một trong những kiếp trước của tôi đã từng là một công dân của thành phố này rồi cũng nên, nếu thế thì tôi hy vọng lúc đó mình là một chàng trai khỏe mạnh, để được dong những cánh buồm đi viễn xứ, chứ làm con gái ở thời nào cũng khổ như nhau.

Đang nghĩ nhảm thì bỗng nhiên có cảm giác ai đó đang nhìn mình, tôi quay mặt lại thì bắt gặp ánh mắt của một chú da đen đang ngồi sau gốc cây ngó qua. Nhìn kỹ lại thì thấy cũng trẻ, chắc là anh thôi mà có khi còn là em ấy chứ. Một khuôn mặt gốc Ấn với lông mày rậm và hốc mắt sâu, ánh mắt này thì không giống với ánh mắt của tên móc túi hôm qua đi theo tôi ở bến xe khách dù cùng là gốc Ấn, không cảm thấy có gì nguy hiểm nên tôi quay ra ngồi ngắm cảnh tiếp. Anh Ấn đen lò dò ra ngồi xuống cạnh tôi rồi bẽn lẽn hỏi “why you look so sad? you come here alone?”. Tôi suýt nữa thì phì cười, chắc nãy giờ mình trông thảm lắm, giá để cái ống bơ bên cạnh thì cũng phải được khối tiền xu rồi ấy nhỉ. Cũng chẳng muốn tiếp chuyện nên tôi nói quấy quá là đang đợi bạn trai, thế là anh Ấn đen đi mất.

Đồng hồ chỉ  hai giờ ba mươi phút, cũng sắp đến lúc phải đi rồi mà chẳng muốn đi tí nào, tôi tự cho phép mình ngồi cố thêm mười phút để khởi động lại đầu óc, ngay sau đây tôi sẽ phải lao ra quảng trường trung tâm, vẫy một chiếc taxi, mặc cả và diễn đạt sao cho người lái xe hiểu là tôi muốn đến bến xe khách. Tôi sẽ phải lội trong dòng người của cái bến xe đông đúc nóng nực đấy tìm cho ra chuyến bus đi Sing của mình, vừa canh chừng mấy tên móc túi mà vẫn phải đổi hết được số tiền Ringit hiện có sang Sing dollar.

Rút cục thì mười phút cũng đã hết, tôi đứng dậy, khoác ba lô nặng trĩu lên vai, ngắm nhìn Mallacca một lần nữa, cũng không hẹn ngày quay lại, một cơn gió mạnh thổi tới làm mớ tóc tôi bay tung lên như lời từ biệt của biển, tôi mỉm cười rồi chạy nhanh xuống con dốc, tiến vào cuộc hành trình khám phá một đất nước mới.

Công sở

Ảnh

Tròn 1 năm làm việc ở đây, hơn 1 năm làm dân văn phòng cổ cồn trắng

Người ta nói công sở giống như ly coffee, cũng như món uống này rất hợp với công sở vậy, mùi thơm hấp dẫn nhưng uống thì đắng ngắt

Và ngân hàng thì đích thị là món coffee đen không đường rồi

Mình chưa từng nghĩ là mình sẽ học được nhiều như thế, thật ra là “học” thì có nhưng chưa chắc đã là “được”, không phải là những kiến thức đúc kết ngàn đời như trong những cuốn text book hay lecture trên giảng đường mà là những luật đời, quy tắc sống mà dù có bổ nhiều hay bổ ít thì cũng cố mà nuốt.

Sau hơn một năm uống coffee công sở, mình thấy mình già hơn, chua chát hơn, liều mạng hơn nhưng cũng tỉnh táo hơn. Công việc giao tiếp với nhiều người khiến cho việc nhìn thấu những mong muốn, hy vọng, suy tính cân đo trong não họ chạy xẹt qua mắt càng trở nên quen, nhàm và thỉnh thoảng khiến mình phì cười.

Trong những khoảng lặng hiếm hoi sau một ngày làm việc, đứng ở bàn và nhìn xuống phố Ngô Quyền, đường tan tầm tấp nập, những dải đèn của xe cộ đủ loại lồng vào nhau cuốn qua dưới khung cửa kính như một dòng chảy bất tận, chở theo những buồn vui, mệt mỏi, hân hoan, bức xúc, hỷ nộ ái ố của con người khi đã hết một ngày, cái dòng chảy vô tình không đợi ai và không bao giờ chấm dứt, chở theo cả năm tháng và tuổi xuân của con người trôi tuột qua trước mắt mà chẳng thể nào dang tay ngăn nó dừng lại được

Mình cũng càng ngày càng nhận ra mong muốn của chính bản thân mình, là việc ngân hàng lỗ lãi bao nhiêu hay mở rộng kinh doanh được bao nhiêu phần chẳng có ý nghĩa gì với mình cả, trong khi đọc báo về nạn đói ở Sudan với những hình hài trơ xương khắc khoải, hình ảnh về những người chết đói bò đi trong vô vọng trên cánh đồng hay một em bé cắm mặt vào mông con bò gầy nhẳng để ăn phân khiến mình run lên và rơi nước mắt.

Một năm chưa dài, nhưng có lẽ cũng là đủ rồi đấy.

Khép lại và mở ra, ngày mai là một ngày mới của những hy vọng, lựa chọn, cố gắng, đối mặt và mỉm cười

Ảnh

Ấu thơ trong tôi là: trung thu của bà nội

Hôm qua ra đường, thiên hạ đi chơi trung thu đông như hội, nếu không kể cái chuyện đường tắc cả quãng dài thì ai cũng hồ hởi phấn khởi. khắp nơi người ta tấp nập dựng lên sân khấu căng phông đỏ chói “Vui tết trung thu-thiếu nhi quận Thanh Xuân, Cầu giấy,etc” và trong khi trời còn chưa kịp tối để bọn trẻ con tụ tập thì lại mở nhạc thị trường xập xình cho đỡ trống.
Mấy cửa hàng bánh kẹo cũng đỏ chót một màu, mấy cái hộp thật là to, bánh trung thu thì bé, giá cả rất chi là hữu nghị với người giàu, lại chống chỉ định sinh viên, chậc. Lượn qua tất cả các hãng bánh kẹo, từ Kinh Đô, Hữu Nghị đến Bảo Ngọc ngã tư sở, thấy rõ sự móc ngoặc của các cửa hàng chống lại người tiêu dùng.

Cái thực tại đáng buồn ấy làm cho một kẻ khô khan như mình cũng phải hoài niệm da diết.

Ngày đó ở với bà, nhà ngói 3 gian, có bà, có thím và 5 đứa cháu. Chú tiến đi dạy học trong xã cuối tuần mới về, thím cũng thường xuyên đi làm xa, chỉ có một tay bà chăm 5 đứa tiểu quỷ.

Trung thu đến, việc đầu tiên là, như mọi năm, từng đứa sẽ dẫn lớp mình về mua bưởi của bà. Bà có 3 cây bưởi, trồng ở đầu nhà, cao hơn đầu lũ trẻ con một tí nhưng mà sai quả kĩu kịt, quả nào cũng to, tròn quay, da xanh bóng. Từ tháng ba tháng tư, khi bưởi kết quả non, mấy đứa đã suốt ngày vòng quanh dưới gốc, “quả này của chị nhé, chị nhận rồi”, “thế thì quả này của em, cả quả này, quả này nữa”, nhận cho hăng vậy nhưng mai lại quên béng mất mình nhận quả nào, rồi lại nhận lại, lại tranh nhau, làm như của mình thật ý, có lần Tiềm còn lấy móng tay vạch thành chữ trên quả để nhận, mấy hôm sau nó teo lại rồi rụng xuống gốc cái bụp, thành một thứ nhẹ bẫng, tròn tròn. Sau khi mếu chán chê, mấy đứa lại đem ra đập mềm cái quả đấy, gọi là bóng chày rồi lấy cán chổi đứa tung đứa vụt. Đấy là chuyện của tháng tư âm lịch, còn tháng 8, khoảng trước trung thu 2 tuần, các lớp rục rịch làm mâm cỗ, lúc đấy cháu của bà, 3 đứa cấp 2, 1 đứa cấp 1, một đứa mẫu giáo thì không tính, sẽ xung phong vào đội mua đồ bày cỗ, rồi thì đon đả mời cả nhóm về nhà, chỉ ra gốc bưởi tha hồ mà chọn. Kỳ tình là chúng nó cũng chả biết chọn, lại đến tay bà chọn cho, còn cháu của bà thì cứ việc chạy loanh quanh theo bà quanh mấy gốc bưởi “bà đừng bán quả đấy, quả đấy của cháu đấy, à quên, quả đấy xấu lắm, tỉa hoa không đẹp, bà bán quả kia kìa, quả đấy là của thằng Tuấn, bán đi không sao…..”

Bòng bán rồi sẽ có tiền đóng góp trung thu cho lớp, còn dư ra bao nhiêu thì bà sẽ để mua bánh trung thu, bánh trung thu 2 nghìn được 4 cái, bọc trong cái túi nilong đầu buộc bằng dây chun, mùi thơm ngầy ngậy thỉnh thoảng lại lọt ra qua cái mối dây chun ấy, phải dí mũi hít hà mới thấy được, chỉ thế thôi, rồi lại cất vào tủ, cái tủ gỗ dưới bàn thờ tỏa ra mùi gỗ cũ kỹ át cả mùi bánh, phải cất vào ngay không bà biết, rồi bấm bụng chờ đến mai ta lại lén ra mở tủ.

Sắp đến trung thu rồi đấy, thằng Khánh tồ nhà xóm trên đã được bố sắm cho cái đèn lồng chạy pin của Trung Quốc phát nhạc gì í a í éo, chú Tiến vẫn chưa về để làm đèn cho mấy đứa, mà bọn xóm trên chúng nó cứ thích lôi đèn ra giễu qua trước cổng, mấy chị em ngồi học ở chỗ cái bàn này nhìn ra cửa sổ là thấy ngay ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy, thật là tức quá. Đèn ông sao ở chợ bán 5 nghìn một cái, hớ hớ, chẳng tội gì mà phải tốn cả đống tiền như thế, đèn ông sao tự mình làm lấy còn đẹp hơn. Bà đi xin ông Vả mấy ống tre non, cái bụi tre ở đầu xóm là của ông ấy, muốn lấy thì để bà đi xin chứ đứa nào ăn trộm là bà chặt tay luôn đấy, bà ghét nhất thói trộm cắp, kể cả chặt trộm ống tre. Có tre đấy rồi, ta sẽ chẻ thành thanh, rồi đan lại thành hình ngôi sao, đan thế nào thì chỉ cần mượn cái đèn ông sao chị Chiên nhà bên mới sắm là biết ngay, đan xong 2 cái hình như thế thì buộc 5 đầu lại như thế này, người ta buộc bằng dây thép thì mình lấy lạt giang buộc cũng được, chỉ mỗi tội là không làm sao cho cái đèn đứng trên tay cầm được, đành để nó treo lủng lẳng ở đầu gậy, thành ra cái đền lồng hình ông sao thật là độc nhất vô nhị.

Đèn ông sao cũng chỉ đem ra châm nến thử rồi treo lên cửa sổ, để dành đến trung thu. Muốn nhập hội với bọn trẻ trong xóm thì cứ dùng cái đèn lồng làm bằng hộp xà phòng kia kìa. Xà phòng giặt ngày đó dạng sáp sền sệt, đựng trong hộp nhựa, dùng xong người ta thảy cái hộp đi, bọn trẻ con sẽ lượm về, rửa sạch, cạo bay mấy cái nhãn mác màu mè, rồi dùng thanh sắt nung đục lỗ, đoạn treo lên đầu một cái que, thế là thành đèn lồng. Khi cắm cái nến vào giữa, ánh sáng hắt qua những cái lỗ thành những hình thù méo mó đến là hay, cái đèn treo bằng dây nên cũng quay tít thò lò, quay qua quay lại làm thành những đốm sáng nhảy múa lung linh.

Chờ dài cổ, rút cục thì trung thu cũng đền, bữa tối ăn vội ăn vàng, thay đồng phục quần xanh áo trắng, moi cái khăn quàng trong cặp rồi  ù té chạy theo đám bạn đang gọi ý ới, trời hẵng còn sáng, phải đến sớm để bày cỗ trung thu chứ, ai bảo xung phong vào đội từ đầu. Xếp mâm cỗ thì phải thật cao mới mong được giải, hừ, thích cao à, 4 viên gạch  là đủ chứ gì, sau đấy đặt mấy nải chuối lên, rồi thì bánh kẹo, quả bưởi tỉa hoa cầu kỳ, bánh nướng, bánh dẻo nữa nè, cắm thêm mấy bong hoa ớt cho màu mè, có ai quy định là phải bày mâm cỗ bằng những thứ ăn được đâu nào. Đến lúc trình bày ý tưởng, chúng nó bỏ chạy hết, cô tổng phụ trách còn túm được mình “nào, bây giờ đến lớp 7A trình bày ý tưởng về mâm cỗ…” “thưa các thầy cô và tất cả các bạn….ý tưởng về mâm cỗ này là ….(là cái quái gì được nhỉ ??!)..à….là…là về tình bạn….” rồi thì lằng nhằng blah blah blah cái gì mình cũng chả hiểu, chỉ biết là khi nói xong co giò chạy về chỗ lớp đang ngồi thì thấy chúng nó đều đứng lên vỗ tay rầm rộ, ngoác mồm cười ngặt nghẽo “mày giỏi thật, cái mâm cỗ như thế mà cũng nói được” “hừ, lũ phản phé, chúng mầy bỏ tao lại đó chứ ai…”

Năm lớp 6 có màn thi văn nghệ chào mừng trung thu, lớp 6A đóng góp một vở kịch đầy ý nghĩa, trong đó cháu Anh của bà đóng vai em bé nhà nghèo bị bắt nạt (ra là mình đã có tướng bị bắt nạt từ hồi đó cơ đấy), bị thằng Ngọc cướp mất đèn ông sao, rồi bố Viết vịt đóng vai chị Hằng với chiều cao 1m69 lý tưởng sẽ xuất hiện, cốc đầu thằng Ngọc và giật đèn trả cho mình. Kịch thì chỉ được giải 3 thôi nhưng nhờ đó mà bố Viết vịt có thêm cái biệt danh “nàng tiên nâu”, “chị anh túc” sau khi xuất hiện trong vở kịch với mái tóc dài lòa xòa và cái vải màn trùm tivi.


Thích nhất là màn rước đèn, đường làng ra đường cái, đường nào cũng sáng trăng vằng vặc, đèn nến sáng trưng, hát hò ầm ĩ, đội trống đi đầu đánh trống hành tiến rộn ràng, đội trống ngày đó có 3 anh đẹp trai học giỏi nhất khóa, luôn xuất hiện trong bộ đồng phục đánh trống thật đáng ghen tị, hồi cấp 2 mình lúc nào cũng chỉ mong được vào đội trống. Cả trường đi rước đèn, cả các cô, các thầy cũng đi, bắt giọng cho đám học trò hát váng lên, phải tội năm nào trời cũng mưa, không nhiều thì ít, vừa đủ để làm tan tác đám rước đèn.

Phá hết đám cỗ ở trường thì lại về nhà với mâm cỗ của bà, có bưởi, có hồng, bánh trung thu, kẹo lạc, bánh quy Hương Thảo, chao ôi là nhiều, tha hồ mà ăn, vừa ăn vừa hát, bài hát đầu tiên những đứa cháu của bà học khi bắt đầu biết nói ” bà ơi bà, cháu yêu bà lắm…”..

Ngoài sân rộng phủ rêu, ánh trăng đang chiếu xuống khắp nơi, dịu dàng và hiền hòa như nụ cười móm mém của bà, trăng soi rọi cả chậu hoa quỳnh đang lặng lẽ tỏa hương dù không được đám trẻ con chú ý như mọi ngày, hôm nay là trung thu mà, dịp vui chơi hiếm hoi trong năm của bọn trẻ quê nghèo, những đứa chưa hề biết có ngày 1/6, 24/12 hay vô vạn hầm bà làng những dịp vui chơi tính theo lịch tây khác, ngày mai tỉnh dậy, mọi thứ lại trở lại bình thường. Lại  đành ngậm ngùi chờ dài cổ cho đến trung thu năm sau vậy.